Mấy năm trở lại đây, hổ phách du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Khắp các báo mạng, các trang facebook tràn ngập quảng cáo về hổ phách. Nhiều người nói rằng hổ phách tự nhiên có nhiều công dụng tuyệt vời kể đến tăng cường sức đề kháng cho bé, giúp bé ăn ngon, ngủ ngoan. Đặc biệt với các bé đang trong thời kỳ mọc răng, đeo vòng hổ phách giúp bé trải qua thời kỳ mọc răng một cách nhẹ nhàng, giảm các triệu chứng khó chịu mà bé hay gặp phải khi mọc răng, như sưng lợi, đau, nôn trớ, tiết nhiều rãi, sốt. Lại có một số người cho rằng đeo vòng hổ phách chỉ có tác dụng chống gió như đeo vòng bạc, ngoài ra không còn tác dụng gì khác.
Nếu quả thực hổ phách có thể mang lại những công dụng tuyệt vời như quảng cáo thì quá tốt. Còn nếu quả thật chỉ là lời giao bán không căn cứ thì thật là phí tiền quá. Một chiếc vòng hổ phách cũng đâu rẻ gì. Quá nhiều thứ phải cân nhắc khi mua một chiếc vòng hổ phách. Vậy có nên đầu tư cho bé một chiếc vòng hổ phách hay không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết các mẹ hãy cùng tìm hiểu thêm về hổ phách nhé
Hổ phách thực chất là gì?
Hổ phách tiếng Latinh gọi là: Succinum, là phần nhựa của một loài thông chảy ra phía ngoài thân cây hoặc chảy vào phần rỗng bên trong của những cây lớn. Vì có mùi thơm quyến rũ nên thường thu hút các loại côn trùng. Phần nhựa này bị vùi lấp trong lòng đất hoặc băng tuyết qua hàng triệu năm, chúng hóa thạch và trở thành những khối vật chất đặc biệt mang theo lá cây, cỏ hoặc côn trùng bên trong. Một số trường hợp, chúng ta còn thấy rõ trong mảnh hổ phách chứa các côn trùng hóa thạch nguyên vẹn. Hổ phách thường được tìm thấy dưới dạng khối nhựa cứng hoặc nhũ đá với các khối to nhỏ không đều nhau, nhìn trong suốt với màu sắc huyền ảo. Chính vì điều này mà hổ phách còn có các tên khác như: Huyết phách, hồng tùng chi, minh phách.
Hổ phách được tìm thấy ở những đâu?
Hai nguồn cung cấp chính hổ phách trên thị trường là các quốc gia vùng Baltic và Cộng hòa Dominica.
Hổ phách vùng Baltic thì cổ hơn nên được thị trường ưa chuộng, nhưng hổ phách ở Dominica thì lại nhiều xác côn trùng hơn. Trong vùng Baltic, mỏ hổ phách lớn nhất ở tây Kaliningrad thuộc Nga, ngoài ra còn tìm thấy hổ phách ở Lithuania, Estonia, Latvia, Ba Lan và Đức, thỉnh thoảng hổ phách lại trôi dạt vào bờ biển Baltic thuộc Đan Mạch và Na Uy. Các nguồn hổ phách khác ở các nước như Myanmar, Liban, đảo Scicily, Mexico, Rumani và Canada.
Vòng hổ phách có tác dụng tốt như lời đồn không?
Ngoài những con côn trùng đã chết, bên trong hổ phách có chứa 1 loại axit Sucsinic. Loại axit này tồn tại chủ yếu ở lớp bề mặt của miếng hổ phách và có tác dụng giảm đau.
Người ta tin rằng nhờ chứa axit succinic mà những hạt hổ phách được xâu chuỗi thành vòng cổ có chức năng giảm đau, làm trẻ đỡ quấy khóc vào giai đoạn mọc răng. Theo đó, trong quá trình đeo và ma sát với làn da của bé, vòng hổ phách sẽ làm ấm lên đồng thời giải phóng một lượng nhỏ axit succinic, giúp các bé trải qua thời kỳ mọc răng nhẹ nhàng, ít đau, ít sốt.
Tuy nhiên trong các nghiên cứu về hổ phách cho thấy rằng trong nó có rất nhiều chất và axit succinic là một thành phần trong đó. Axit succinic đúng là có tác dụng giảm đau nhưng không có nghĩa là đeo chiếc vòng hổ phách sẽ giúp cho trẻ giảm đau khi mọc răng hay các đau đớn khác. Vì axit succinic có nhiệt độ nóng chảy 184 độ c, nhiệt độ sôi của loại axit này 235 độ c và nó hòa tan trong môi trường nước. Với nhiệt độ của cơ thể trung bình 36 -37 độ c không thể giải phóng được axit succinic, ngay cả khi cơ thể sốt đến 40 độ c. Vì thế khó có chuyện đeo một chiếc vòng mà giúp trẻ giảm đau đớn và thúc đẩy răng trẻ nhanh mọc. Trái lại, các loại trang sức cho bé nói chung và vòng cổ nói riêng còn có thể là nguồn chứa vi khuẩn có hại từ môi trường bên ngoài.
Rủi ro khi dùng vòng hổ phách cho bé
Chắc hẳn nhiều người trót tin vào những đồn thổi về vòng hổ phách sẽ rất thất vọng khi khoa học chứng minh vòng hổ phách có tác dụng gì. Họ sẽ còn thất vọng hơn khi biết không ít tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ được thống kê trên thế giới trong thời gian qua có liên quan đến vòng hổ phách. Hai rủi ro lớn nhất khi đeo vòng là tắc thở và nghẹt thở. Trẻ có thể bị vòng siết cổ trong lúc ngủ gây tắt đường hô hấp. Hoặc tai nạn cũng có thể đến từ việc vòng bị đứt và trẻ có thể nuốt hoặc hít phải các hạt hổ phách.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người lớn không nên cho trẻ đeo vòng hổ phách cũng như các loại trang sức khác do chúng ta không phải lúc nào cũng có thể để mắt đến trẻ, nhất là trong lúc ngủ.
(BP_Tổng hợp)