Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủGia đình và Cuộc sốngTRẺ SƠ SINH KHÓ NGỦ VÌ MỘT SỐ SAI...

TRẺ SƠ SINH KHÓ NGỦ VÌ MỘT SỐ SAI LẦM HAY MẮC PHẢI CỦA BỐ MẸ

Trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Mẹ có biết rằng, đôi khi những thói quen tưởng như vô hại của mình nhưng lại là sai lầm khiến con trằn trọc khó ngủ, gắt ngủ hoặc có những giấc ngủ không hề đem lại lợi ích sức khỏe?

Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với trẻ sơ sinh mà với tất cả chúng ta nói chung. Thời gian để não bộ phát triển chính là lúc cơ thể chìm vào giấc ngủ. Quá trình phát triển ở trẻ sơ sinh được diễn ra khi ngủ thông qua hormon tăng trưởng. 

Trong thời gian 3 năm đầu đời, có đến 80% tế bào não được tạo ra. Việc sản sinh ra các tế bào này có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ của trẻ. Không chỉ giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, giấc ngủ còn có vai trò trong việc phát triển trí tuệ, bởi những thông tin trẻ tiếp nhận trong ngày sẽ được não bộ tiến hành xử lý trong khi ngủ. 

Giấc ngủ quan trọng là thế nhưng không phải trẻ sơ sinh nào cũng có những giấc ngủ tốt từ khi mới sinh. Rất nhiều trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc, dễ giật mình,… Tình trạng này lâu dần sẽ làm giảm khả năng học tập, giảm trí nhớ, thậm chí là dẫn đến rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi khi trẻ lớn lên. 

Do đó, trừ những trường hợp bất khả kháng, cha mẹ nên tạo mọi điều kiện để trẻ luôn được ngủ đủ giấc và có những giấc ngủ ngon. Theo lời khuyên của các chuyên gia, trẻ sơ sinh trung bình mỗi ngày nên ngủ từ 18 – 20 giờ. Mỗi trẻ sẽ có thời gian mỗi giấc ngủ khác nhau, có thể từ 30 – 180 phút hoặc lên đến 5 – 10 giờ. 

Một số sai lầm bố mẹ hay mắc phải khiến trẻ sơ sinh khó ngủ

1.Tạo không gian quá yên tĩnh

Mẹ biết rằng việc tạo không gian yên tĩnh cho giấc ngủ của con là cần thiết tuy nhiên, nếu quá yên tĩnh “không một tiếng động” thì cũng không tốt. Thực tế, nhiều bé sẽ ngủ ngon hơn nếu trong phòng có những âm thanh đều đều như tiếng quạt máy, tiếng nhạc nhẹ nhàng… hoặc nếu bé thấy thoải mái với ánh sáng dịu nhẹ, mẹ có thể để đèn ngủ cho bé.

2.Bỏ qua thói quen ngủ của con

Thói quen trước khi ngủ không những giúp bé được thư giãn trước khi vào nôi mà còn là cách gắn kết tình cảm mẹ con tuyệt vời. Khoảng 1 tiếng trước giờ mẹ muốn bé ngủ (6 đến 7 giờ tối là lúc thích hợp cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi), bắt đầu tập cho bé thói quen ngủ. Tắm nước ấm rồi bế con về phòng ngủ và thay quần áo trong phòng tối và mở nhạc nhẹ nhàng. Đọc sách và cho bé bú trong vòng tay mẹ. Khi bé sắp buồn ngủ, mẹ có thể đặt bé lên giường.

3.Cho bé lên giường không đúng lúc

Trẻ sơ sinh và trẻ em thường thèm ngủ vào những giờ nhất định. Mẹ có thể dựa trên những dấu hiệu buồn ngủ của con và thiết lập lịch ngủ phù hợp với từng bé. Quan trọng là, mẹ nên đặt bé xuống giường khi bé buồn ngủ, không phải là khi đã ngủ say.

4.Bỏ qua dấu hiệu cho thấy bé cần ngủ

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi sẽ phát đi tín hiệu cho thấy sự mệt mỏi và cần được ngủ. Vài dấu hiệu đó thường gặp như: dụi mắt, ngáp dài, lười vận động, làu bàu, bực mình và ít quan tâm đến xung quanh. Nếu mẹ bỏ qua giai đoạn dễ đi vào giấc ngủ này, cơ thể bé sẽ không tiết ra chất melatonin để dịu lại nữa. Thay vào đó, tuyến thượng thận của bé sẽ tiết ra hóc môn cortisol gây căng thẳng và khiến bé không được thư giãn. Lúc này, bé sẽ quấy khóc, gắt ngủ.

5.Để bé quá phụ thuộc vào mẹ để ngủ

Chúng ta đều biết rằng 3 giờ sáng, khi đã hoàn toàn kiệt sức thì bạn sẽ làm mọi thứ để dỗ bé con ngủ lại, thường là ru ngủ, ôm ấp, đi lại, xoay vòng, hát, xoa lưng cho bé … Khi được 3 đến 4 tháng tuổi, thói quen này sẽ khiến bé hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Quan trọng là đặt bé xuống giường khi bé thấy buồn ngủ nhưng vẫn chưa ngủ hẳn để bé học cách tự ngủ lại mỗi khi tỉnh giấc. Mẹ có thể bắt đầu khi bé được 6 hoặc 8 tuần tuổi để phát triển khỏe mạnh hơn.

6.Cho bé ngủ giường quá sớm

Theo các chuyên gia, mẹ đừng chuyển bé sang giường ngủ trước khi bé trèo ra ngoài nôi được, hoặc mẹ nên để bé ngủ ở nôi cho đến khi được 2 tuổi, lúc bé sắp đi được. Một bên cũi có thể được dùng để làm rào cản cho giường khi bé chưa hiểu hoặc không vâng lời mẹ.

7.Cho bé tự lựa chọn thời gian ngủ

Nhiều người thường nghĩ rằng con sơ sinh ngủ được là tốt rồi, bé ngủ càng lâu càng tốt và đỡ phải dỗ dành. Theo các chuyên gia, đồng hồ sinh học chính là sức mạnh đánh thức bé dậy dù cho bé ngủ trễ vào hôm qua nhiều thế nào. Như vậy nghĩa là, khi mẹ để bé ngủ trễ hơn, mẹ đang làm cho con mệt hơn vào ngày mai, làm con không ngủ đủ giấc của mình.

8.Để bé gặp những khó chịu nhỏ nhặt

Bố mẹ phải hết sức tinh tế trong việc phát hiện ra nguyên nhân vì sao con khóc quấy không chịu ngủ. Bé có thể khó chịu về những lí do hết sức nhỏ nhặt như có sợi tóc thít chặt quanh ngón tay, ngón chân bé hay quần áo quá thô ráp, bức bối, nệm không được êm ái hoặc bé không thích cách bố mẹ bế bé…

Răng Sữa_tổng hợp

- Advertisement -