Tập bốc ăn bằng tay là một hình thức tuyệt vời để trẻ phát triển khả năng phối hợp linh hoạt giữa tay, mắt và miệng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tập cho bé ăn dặm sớm không chỉ kích thích sự phát triển vận động miệng của trẻ mà còn phát triển giọng nói, kỹ năng cầm nắm và nhai của các bé. Thế nhưng để hướng dẫn bé tự tập ăn thế này, ngoài việc đòi hỏi sự kiên nhẫn của bố mẹ, sự đa dạng và thơm ngon của món ăn cũng là một trong những yếu tố kích thích việc tự ăn của bé. Và sau đây rangsua sẽ bật mí 4 món ăn cho các mẹ tham khảo nhé!
Trước tiên, chúng ta nên cho bé tập ăn bốc vào lúc nào?
Khi được 9 tháng tuổi, hầu hết các bé đã phát triển các kỹ năng vận động nhỏ như cầm nắm, đưa tay vào miệng. Bé bắt đầu cầm lâu hơn và chặt hơn. Những lúc khi ấy, mẹ có thể bắt đầu tập tự ăn cho con.
Tuy nhiên không đứa trẻ nào là giống nhau cả. Nếu bé gặp khó khăn trong việc sử dụng tay để tự bốc ăn hoặc không chịu hợp tác thì đừng quá lo lắng, có thể bé chưa quen hoặc chưa sẵn sàng với sự đổi mới này. Cho bé thời gian để làm quen các mẹ nhé!
Một số món ăn mẹ có thể tập cho bé
Khi chọn thức ăn dặm cho trẻ, hãy bắt đầu với những vụn đồ ăn nhỏ, mềm, dễ tan để tránh tình trạng các bé bị nghẹn.
Trứng vụn
Trứng là thực phẩm lý tưởng cho trẻ nhỏ vì chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của bé, bao gồm protein, selen, phốt pho, riboflavin và vitamin A, D và B12. Ngoài ra trứng cũng chứa lutein và zeaxanthin, vốn được biết đến là 2 chất dinh dưỡng hỗ trợ thúc đẩy thị lực khỏe mạnh.
Cách làm món trứng vụn này rất đơn giản. Thay vì tráng trứng đều trên chảo thành hình tròn đẹp mắt, các mẹ hãy khuấy đều hỗn hợp trứng đánh trên chảo để chúng tơi ra thành từng vụn nhỏ. Điều đó sẽ giúp bé cầm lên dễ dàng hơn.
Phô mai
Nếu con bạn không dị ứng với các loại thực phẩm chứa sữa thì phô mai sẽ là một loại thực phẩm cực kì tốt cho bé đấy. Không những là “kho tàng” của các chất dinh dưỡng thiết yếu, phô mai còn là món ăn dễ mua và chiều lòng được hầu hết các trẻ nhỏ, kể cả những trẻ biếng ăn vì mùi vị thơm ngon của chúng.
Thoạt đầu, ta có thể cho bé ăn những loại phô mai mềm, có kết cấu tương tự như thức ăn đặc của trẻ. Một trong những hiệu phô mai nổi tiếng nhất Việt Nam chính là phô mai Con bò cười. Sau khi lấy phô mai từ tủ lạnh ra, các mẹ có thể tán nhuyễn phô mai và phết lên muỗng cho bé cầm ăn. Dần dần khi bé bắt đầu quen, có thể đổi thành các loại phô mai viên nhỏ cho bé.
Đậu hũ
Đậu hũ là một thực phẩm tuyệt vời với nhiều protein thực vật và các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ. Nó chứa nhiều axit alpha-linolenic (một loại axit béo omega-3) giúp cho não và mắt khỏe mạnh.
Khi lựa mua đậu hũ, nên chọn những loại đậu nguyên bản, không chứa chất bảo quản và không chứa gia vị nhiều như muối và đường. Trong quá trình tập cho trẻ ăn bốc bằng đậu, hãy nhớ nấu chín đậu và cắt thành từng miếng nhỏ, vừa tay để bé ăn dễ dàng hơn. Ngoài ra hãy nhớ bảo quản đậu trong ngăn mát tủ lạnh nếu chưa dùng tới nhằm tránh đậu hũ bị hư và giữ được độ tươi ngon khi chế biến nhé!
Chuối
Chuối là thực phẩm tuyệt vời (đặc biệt là cho trẻ em) vì chúng dễ tiêu hóa, mềm, nhão, chứa đầy đủ vitamin và khoáng chất. Có vô số cách biến tấu chuối vào trong khẩu phần ăn của bé, từ việc dằm nhuyễn, cắt khúc nhỏ tới làm thành bánh chuối muffin, bánh rán chuối.
Nếu đây là lần đầu tiên bé được ăn loại quả này, hãy cắt ra thành từng miếng mỏng dài để bé có thể cầm nắm mà không bị trơn trượt. Bật mí nho nhỏ là đối với các bé đang trong quá trình mọc răng rất dễ quấy khóc, khó chịu do hàm bị nhức, các mẹ có thể giúp bé cảm thấy bớt khó chịu bằng cách cho bé ăn chuối được để đông trong tủ lạnh để làm dịu cơn đau xuống đấy.
Trên đây là 4 loại thực phẩm vừa dễ mua mà lại chứa nhiều dinh dưỡng dành cho bé mà các mẹ có thể tham khảo. Nếu có thắc mắc nào hãy bình luận cho chúng mình biết nhé!