Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai che mất một phần hoặc hoàn toàn lỗ cổ tử cung của người mẹ. Mang thai rau tiền đạo có thể gây chảy máu nghiêm trọng trước hoặc trong khi sinh.
1. Rau tiền đạo (RTĐ) là gì?
Bình thường nhau thai bám mặt trước, mặt sau, phía trên thành tử cung, bên phải hoặc bên trái tử cung. Còn RTĐ là hiện tượng nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung và che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Đây là nguyên nhân chính gây xuất huyết trong khi mang thai.
- Tùy vào vị trí bám của nhau thai mà có các dạng RTĐ khi mang thai như:
- RTĐ trung tâm hoàn toàn: bánh nhau che bít cổ tử cung;
- RTĐ bán trung tâm (RTĐ trung tâm không hoàn toàn): bánh nhau che một phần cổ tử cung;
- RTĐ bám bên hoặc bám mép: bánh nhau bám vào phần dưới cổ tử cung, gần mép cổ tử cung.
2. Nguyên nhân bị RTĐ là gì?
Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng RTĐ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Rau thai có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào mà phôi làm tổ trong tử cung. Khi phôi làm tổ ở phần dưới của tử cung thì rau thai có thể phát triển từ vị trí này, không dịch chuyển lên phía trên trong thai kỳ, sẽ dẫn đến hiện tượng rau tiền đạo.
- Ngoài ra, RTĐ còn có thể gặp ở một số phụ nữ như:
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Bị sảy thai hoặc nạo thai nhiều lần.
- Bị viêm nhiễm tử cung trước đó.
- Bị RTĐ trong lần mang thai trước. Tuy nhiên, người mang thai lần đầu vẫn có thể bị.
- Rau thai lớn, do mang đa thai
- Phụ nữ lớn tuổi mang thai (trên 35 tuổi).
- Tử cung có hình dạng bất thường.
- Phụ nữ sử dụng nhiều chất kích thích như hút thuốc lá.
3. Biểu hiện của RTĐ
Xuất huyết âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi) không gây đau đớn trong nửa sau của thai kỳ.
Xuất huyết dao động từ nhẹ đến nặng, có thể ít hoặc nhiều.
Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần.
Một số thai phụ có RTĐ có thể phải đối mặt với các cơn co thắt đi kèm với xuất huyết.
Do đó, nếu thai phụ bị chảy máu âm đạo khi mang thai bất thường trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, hãy đến bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp chảy máu nặng, cần phải được cấp cứu ngay.
4. Thai bao nhiêu tuần thì biết RTĐ?
Hầu hết các trường hợp rau tiền đạo có thể được phát hiện sớm từ tuần thứ 20 của thai kỳ bằng phương pháp siêu âm thai. Khi siêu âm, bác sĩ có thể xác định vị trí rau thai bám vào tử cung là ở đâu: đáy, thân, mặt trước hay mặt sau, rau bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.
Khi bị RTĐ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ. Mẹ bầu nên được thăm khám đều đặn để kịp thời phát hiện những bất thường có thể thấy trong thai kỳ.