Nhịn ăn gián đoạn (NAGĐ) là một trong những biện pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Chế độ ăn này dễ thực hiện, linh động về thời gian, dễ duy trì để giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể. Hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé.
Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent fasting) là một chế độ ăn chuyển qua lại giữa các khoảng thời gian nhịn ăn (không có thức ăn hoặc giảm rất đáng kể lượng calo) và ăn không hạn chế. Phương pháp này thúc tiến thay đổi thành phần cơ thể (body composition, tỷ lệ phần trăm mỡ, xương, cơ và nước trong cơ thể con người) thông qua giảm mỡ và cân nặng, đồng thời tăng các chỉ số sức khỏe liên quan đến bệnh như huyết áp và nồng độ cholesterol.
Có nhiều trường hợp áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn với một chu kỳ kéo dài hơn trong vài ngày. Cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng phương pháp này có thể giảm mỡ cho cơ thể. Thế nhưng, có một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chu kỳ nhịn ăn 8 – 16 tiếng cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Các phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Các phương pháp NAGĐ đoạn phổ biến nhất bao gồm: nhịn cách ngày, nhịn nhiều ngày với tần suất cụ thể mỗi tuần hoặc nhịn trong một khung thời gian cố định.
- Nhịn cách ngày: Chuyển đổi qua lại giữa ngày ăn không hạn chế và ngày chỉ ăn một bữa với khoảng 25% lượng calo cần thiết. Ví dụ: Chỉ ăn 1 bữa cho thứ Hai – Tư – Sáu, trong khi các ngày còn lại ăn không hạn chế.
- Nhịn nhiều ngày: Nhịn hoàn toàn trong 1 – 2 ngày mỗi tuần hoặc nạp chỉ tới 25% lượng calo cần thiết và không hạn chế ăn vào các ngày còn lại. Ví dụ: Phương pháp 5:2 đề nghị không giới hạn thức ăn 5 ngày trong tuần, xoay vòng với chế độ ăn 400 – 500 calo trong 2 ngày.
- Ăn giới hạn thời gian: Theo sau một kế hoạch ăn uống mỗi ngày là một khung giờ nhịn ăn định sẵn. Ví dụ: “Nhịn ăn gián đoạn 16/8” là chế độ 8 giờ ăn uống và 16 giờ kiêng ăn. Dùng bữa bình thường từ 8am – 3pm và nhịn ăn các giờ còn lại của ngày. Hay bạn chọn khung 8 giờ ăn uống từ 12h trưa đến 8 giờ tối thì 16 giờ còn lại nhịn ăn qua đêm và bỏ bữa sáng. Hoặc người khác chọn ăn từ khung 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều….

Lợi ích của nhịn ăn gián đoạn
Mục đích mọi người áp dụng phương pháp này đều hướng đến lợi ích đốt mỡ thừa và duy trì vóc dáng cho cơ thể. Bên cạnh đó, phương pháp này đồng thời cũng mang đến cho sức khỏe của chúng ta nhiều lợi ích hơn như :
- Tăng cường khả năng nhận thức: tư duy và nhớ lâu hơn.
- Tốt cho hệ tim mạch: hỗ trợ cải thiện tăng huyết áp hiệu quả.
- Duy trì một cơ thể săn chắc: Thực tế nhiều trường hợp đã chứng minh rằng, việc nhịn ăn trong vòng 16 giờ đồng hồ sẽ giúp cho cơ thể vẫn duy trì được lượng cơ bắp cần thiết khi lượng mỡ giảm đi. Hơn hết, những người chạy bộ khi áp dụng phương pháp này có thể chạy được một quãng đường dài hơn thông thường.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: NAGĐ có tác dụng làm giảm mức insulin lên đến 31% và hạ đường huyết xuống hơn 3 – 6%, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Tăng tuổi thọ: Mặc dù các nghiên cứu trên đối tượng là con người còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng việc nhịn ăn không liên tục có thể kéo dài tuổi thọ.
Đối tượng nào không NAGĐ?
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, thế nhưng, phương pháp NAGĐ vẫn sẽ có những chống chỉ định cụ thể. Đặc biệt, những người đang gặp phải những vấn đề sau đây:
- Bệnh nhân bị đái tháo đường đang được điều trị bằng thuốc.
- Những người có sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh lý mạn tính không nên áp dụng phương pháp này.
- Trẻ em chưa đủ 18 tuổi (độ tuổi phát triển).
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Những người gặp phải các vấn đề về dạ dày.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Mặc dù phương pháp này thường an toàn với hầu hết những người khỏe mạnh, nhưng để đảm bảo sức khỏe không bị ảnh hưởng bạn vẫn nên nghe tư vấn của bác sĩ trước khi bắt đầu thử nghiệm nhé.
(Nguồn tham khảo: medlatec)