Hiện nay dịch cúm A (H1N1) đang bùng phát nghiệm trọng hơn so với mọi năm. Khởi phát sốt cao, diễn biến trở nặng nhanh, nhiều trường hợp mắc cúm A bị tổn thương phổi, suy hô hấp. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế, số ca nhiễm cúm A tăng cao bất thường trong thời gian gần đây. Vậy điều trị bệnh cúm do dịch cúm A/H1N1 gây ra như thế nào?
1. Điều trị bệnh cúm do dịch cúm A/H1N1 gây ra
Đa phần các trường hợp mắc bệnh cúm A sẽ tự khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, khi nghi ngờ bị nhiễm virus cúm thì người bệnh cần được cách ly để tránh lây truyền virus cho mọi người xung quanh. Hầu hết người bệnh được điều trị tại chỗ, trừ trường hợp bệnh tiến triển nặng hoặc gây ra biến chứng thì cần được đưa đến các cơ sở y tế để có thể được thực hiện hồi sức tích cực hoặc xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị thích hợp.
Dưới đây là cách xử trí cụ thể theo từng mức độ của bệnh:
- Có biến chứng và kèm các yếu tố nguy cơ: Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế như bệnh viện để bác sĩ thăm khám, theo dõi, xét nghiệm và chỉ định điều trị dùng thuốc kháng virus cúm A/H1N1 sớm.
- Chưa có biến chứng: Nếu các triệu chứng có biểu hiện nhẹ, người bệnh có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Nếu các triệu chứng tiến triển nặng thì lúc đó người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
2. Chăm sóc và hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị cúm do dịch cúm A/H1N1 gây ra
Với những bệnh nhân bị cúm do dịch cúm A nhưng các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ và không có biến chứng thì có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà như sau:
- Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước bao gồm nước lọc, nước trái cây, sữa để giúp cơ thể cân bằng điện giải. Hạn chế ăn, uống các thực phẩm lạnh vì có thể ảnh hưởng đến họng và làm các triệu chứng khác nặng thêm như sốt, ho, viêm họng.
- Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có phải sử dụng khẩu trang y tế.
- Nếu sau khoảng 7 ngày mà các triệu chứng không thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
3. Phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 bằng chủng ngừa vắc-xin
Hiện nay, có thể phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 bằng chủng ngừa vắc-xin cúm.
Sau khi tiêm khoảng 2 – 3 tuần, vắc-xin sẽ tạo kháng thể để giúp cơ thể phòng ngừa với các loại virus gây bệnh cúm. Vắc-xin duy trì tác dụng trong khoảng 6 – 12 tháng.
Trong trường hợp người bệnh đã bị nhiễm virus cúm và tiêm vắc-xin thì sau khi tiêm vẫn có khả năng bị bệnh cúm.
Để đạt hiệu quả phòng ngừa cao nhất, cả trẻ em và người lớn cần lưu ý tiêm đúng lịch và tiêm đủ mũi, đặc biệt là mũi nhắc lại.
Dịch cúm A/H1N1 gây ra bệnh cúm với các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, … Hầu hết bệnh có thể tự khỏi và người bệnh có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu bệnh tiến triển nặng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị, xử lý kịp thời các biến chứng.