Chủ Nhật, Tháng Tư 14, 2024
Trang chủCẩm nang cho mẹTHỰC ĐƠN ĂN DẶM CHO TRẺ 6 THÁNG TUỔI

THỰC ĐƠN ĂN DẶM CHO TRẺ 6 THÁNG TUỔI

Bước sang tháng thứ 6, hầu hết các bé đã có thể bắt đầu thực hiện chế độ ăn dặm. Việc lựa chọn thực phẩm và lên thực đơn dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm ở tháng thứ 6 là vô cùng quan trọng để giúp bé phát triển tốt về thể chất và trí não.

1. Vì sao cần cho trẻ ăn dặm ở tháng thứ 6?

Khi được 6 tháng tuổi, trẻ có thể được ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Dù sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo nhất, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu cho bé, giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ nhưng khi trẻ đã được 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Nếu không cho trẻ ăn bổ sung, trẻ sẽ chậm lớn, ngừng phát triển, bị còi xương, thiếu máu,…

Cha mẹ có thể cho trẻ ăn dặm khi trẻ có các biểu hiện sau:

  • Bé có thể ngồi nếu được hỗ trợ: tập cho con ngồi thẳng để nhai, nuốt đúng cách;
  • Bé có thể giữ đầu ở tư thế thẳng, ổn định mà không cần trợ giúp;
  • Bé biết nhai thức ăn bằng nướu;
  • Trọng lượng cơ thể bé gấp đôi so với lúc mới sinh và tốt nhất là khi được 6 tháng tuổi;
  • Bé có nhu cầu ăn nhiều hơn dù đã cho con bú 8 – 10 lần/ngày;
  • Bé tỏ ra thích thú, tò mò về các loại thức ăn;

Tuy nhiên, phụ huynh nên nhớ, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ trong giai đoạn này vẫn là sữa mẹ. Người mẹ cần tiếp tục cho bé bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.

2. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm ở tháng thứ 6

Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng thức ăn đặc hoặc các loại thức ăn rắn. Mẹ nên chuẩn bị cho bé bắt đầu ăn dặm bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, được xay hoặc nghiền mịn để bé có thể nuốt được một cách dễ dàng.

Thông thường, những bữa ăn đầu tiên của bé nên bắt đầu bằng bột gạo đã được nghiền, lọc thận mịn, loãng rồi tăng dần độ thô, đặc lên cho phù hợp với khả năng tiếp nhận thức ăn của trẻ. Sau khi làm quen với cháo trắng, cha mẹ có thể cho bé ăn kèm các loại rau củ khác đã được nghiền nhuyễn hoặc ép lấy nước như bí đỏ, khoai lang, khoai tây, cà rốt, rau xanh và trái cây,… Dần dần, mẹ có thể cho bé tiếp tục thử ăn cá, thịt nạc, tôm, trứng,… Mỗi lần phụ huynh chỉ cho bé ăn một loại thức ăn mới để bé tiếp nhận các mùi vị thực phẩm khác nhau. Loại thức ăn nào khi bắt đầu cho bé ăn cũng chỉ cho ăn một ít, sau đó tăng dần.

Lưu ý: Trẻ không cần bất cứ gia vị nào cả vì nguyên liệu nấu ăn đã có sẵn vị ngọt, mặn nên mẹ không cần cho thêm muối, nước mắm hay hạt nêm vào thức ăn của con.

3. Trẻ em 6 tháng tuổi nên ăn gì?

Khi bé đã quen với việc ăn dặm, cha mẹ có thể cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm cung cấp đủ loại dưỡng chất mà cơ thể trẻ cần. Những chất dinh dưỡng cần thiết trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi gồm: sắt, canxi, vitamin A, C, D và axit béo Omega-3.

Nhóm thực phẩm phù hợp với bé 6 tháng tuổi gồm:

  • Ngũ cốc: Trẻ ăn dặm có thể bắt đầu chế độ ăn bằng bột gạo nấu, cháo loãng. Phụ huynh có thể cho bé sử dụng các loại ngũ cốc ăn dặm được chế biến sẵn bởi các thương hiệu uy tín hoặc tự chế biến bằng bột gạo, gạo lứt và các loại đậu;
  • Chất đạm: Ban đầu mẹ nên cho nước luộc thịt (thịt lợn hoặc thịt gà) vào nấu cùng cháo. Về sau, khi bé đã quen ăn dặm, mẹ có thể xay nhuyễn thịt để nấu với cháo cho bé. Các loại thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cá, lòng đỏ trứng,… là nguồn bổ sung kẽm và sắt dồi dào cho trẻ;
  • Chất béo: Giai đoạn 6 tháng tuổi, các mẹ chỉ cần cho 1 thìa cafe dầu ăn vào bột hoặc cháo cho trẻ là đủ. Ngoài ra, chất béo cũng đã có sẵn từ các loại thực phẩm ăn dặm đi kèm như thịt, tôm, trứng gà;
  • Trái cây: Phụ huynh có thể cho bé ăn thử một ít trái cây mềm như chuối, quýt hoặc dùng nước ép táo, lê để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho trẻ;
  • Rau củ quả: Cha mẹ nên thường xuyên xay nhuyễn rau ngót, củ cải, cà rốt, bí ngô, rau cải,… để nấu cùng cháo vì đây là nguồn bổ sung chất xơ hữu hiệu cho bé;
  • Sữa: Bé 6 tháng tuổi cần tiếp tục bú sữa mẹ vì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho bé trong giai đoạn này. Trong trường hợp mẹ không còn đủ sữa thì có thể cho bé dùng thêm sữa công thức.

4. Lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm

  • Kết hợp nhiều loại thức ăn, thay đổi thực đơn thường xuyên để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé và giúp bé không bị ngán vì phải ăn một món thường xuyên;
  • Sử dụng thực phẩm sạch, không bị nhiễm khuẩn, hết hạn khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ;
  • Cho bé ăn từ từ từng chút một, từ ít tới nhiều;
  • Nên kiểm tra các nguy cơ dị ứng và khả năng tiêu hóa của bé khi cho trẻ thử thức ăn mới;
  • Chỉ cần ăn dặm 2 bữa/ngày, kết hợp với việc cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức là đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ
  • Có thể kết hợp rau, củ, quả hay thịt với bột ăn dặm cho bé;
  • Không cho trẻ ăn quá nhiều cá, thịt cùng một lúc;
  • Các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt bò, cá thịt đỏ,… nên đợi tới khi bé được 7 tháng tuổi mới cho vào chế độ ăn dặm;
  • Thời gian giữa các bữa ăn dặm nên hợp lý và cố định. 2 bữa ăn dặm cần cách xa nhau để tạo thành thói quen ăn uống cho bé. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không cần áp dụng quá máy móc vì khả năng ăn uống còn phụ thuộc vào tâm trạng, sức khỏe của trẻ trong từng thời điểm cụ thể.

5. Các món ăn dặm tốt cho bé

  • Bơ nghiền

Bơ là thực phẩm tuyệt vời cho những bé lần đầu ăn dặm. Bơ giàu chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh. Trong bơ có các loại vitamin A, C, folate, niacin cùng các chất khoáng như sắt, kali, photpho, magie, canxi,… Đồng thời, loại trái cây này cũng mềm, mịn nên các bé có thể dễ dàng ăn và tiêu hóa.

Cha mẹ có thể chế biến bơ cho bé ăn dặm bằng cách: Bóc vỏ bơ chín, loại bỏ xơ và những phần hỏng, cắt bơ thành từng miếng nhỏ rồi dùng thìa hoặc nĩa nghiền nhuyễn. Sau đó, thêm sữa mẹ, sữa công thức đã pha hoặc nước vào bơ nghiền để tạo thành hỗn hợp dạng lỏng, mịn cho bé dễ nuốt. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thêm bột ngũ cốc nếu muốn để tạo thành hỗn hợp đặc hơn cho bé ăn dặm.

  • Chuối nghiền

Chuối cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bé tập ăn dặm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, màng nhầy của chuối tạo ra có thể bao lấy dạ dày, giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn. Đặc biệt, chuối là loại hoa quả có hàm lượng cao vitamin A, C, folate và các khoáng chất như kali, photpho, magie, canxi và selenium,… rất tốt cho bé.

Để chế biến chuối thành món ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể thực hiện như sau: Bóc vỏ chuối chín, thái khoanh, dùng thìa nghiền nát hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó, thêm sữa mẹ, sữa công thức đã pha, nước hoặc ngũ cốc để tạo thành một hỗn hợp ăn dặm đủ dưỡng chất cho bé.

  • Bí đỏ nghiền

Bí đỏ giàu chất xơ, vitamin A và vitamin C, là lựa chọn lý tưởng trong thực đơn ăn dặm của trẻ. Để chế biến món bí đỏ nghiền cho bé ăn dặm, phụ huynh cần gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ bí đỏ rồi hấp tới khi chín mềm. Sau đó, dùng thìa nghiền bí đỏ qua rây để loại bỏ phần xơ, thô rồi thêm nước luộc bí sao cho đạt độ loãng phù hợp, đun trên lửa nhỏ kết hợp quấy đều trong vài phút. Cuối cùng, mẹ chỉ cần tắt bếp, đợi bí đỏ nghiền nguội xuống và cho bé ăn.

Lựa chọn thực phẩm và xây dựng một thực đơn ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Ngoài những gợi ý trên, cha mẹ có thể tìm kiếm thêm các món tương tự, làm phong phú thêm thực đơn mỗi ngày của bé để bé hợp tác hơn khi bắt đầu ăn dặm.

Ở giai đoạn đầu khi ăn dặm, bé có thể dễ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa do phải làm quen với các loại thức ăn mới thay vì chỉ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu tình trạng này không cải thiện, bạn nên đưa bé đến chuyên khoa tiêu hóa chuyên về Nhi để được khám và điều trị.

Để hạn chế việc trẻ nhỏ mắc phải các bệnh lý đường tiêu hoá, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽmcrom, selen, vitamin nhóm B,… giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

- Advertisement -