Rất nhiều phụ huynh đau đầu vì chưa biết cách rèn cho con kỹ năng tự học. Để giúp trẻ kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cũng như nâng cao kết quả học tập các bậc phụ huynh cần có cách dạy con tự học đúng đắn, phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu kinh nghiệm rèn con quý báu qua bài viết dưới đây.
Cách rèn cho con kỹ năng tự học tốt nhất là rèn cho bé tính tự giác. Hiện nay có quá nhiều thứ cám dỗ, hấp dẫn khiến tâm trí các bé bị phân tán, khó tập trung. Do vậy, để con không bị phụ thuộc, cha mẹ nên nói chuyện để con hiểu và ý thức được việc học là nhiệm vụ của con. Và nên nhớ trong nhà ai cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
NGUYÊN NHÂN: VÌ SAO NHẮC MÃI MỚI CHỊU HỌC?
Mẹ nhắc – giục – hô hào hay nịnh con mới chịu học. Đây là tình trạng chung của rất nhiều em khi ở nhà. Nếu con bạn đang trong tình trạng đó thì xin thưa là chuyện bình thường.
Do thói quen sinh hoạt của gia đình. Trong những ngày bé đi học, nhà mình có sinh hoạt theo thói quen không? Hay là giờ giấc mỗi ngày mỗi khác? Đó chính là một trong những lí do khiến bé không hình thành được thói quen tự giác học. Thói quen chính là những việc làm lặp đi lặp lại hàng ngày.
Một phần do tính tình của bé.
CÁC CÁCH LUYỆN THÁI ĐỘ TỰ GIÁC CHO CON
1. Thói quen sinh hoạt gia đình
Trước tiên, cần xem xét thói quen sinh hoạt gia đình: cần cho vào nề nếp. Dĩ nhiên tương đối thôi chứ không cần phải đúng giờ 100%. Nếu mong con tuân theo nội quy nhà trường, mà ở nhà sinh hoạt lung tung cả, trẻ sẽ không thể hình thành được kĩ năng.
Gia đình cần có sự đều đặn, khung giờ rõ ràng. Sau khi đi học về làm những gì, bắt đầu mấy giờ là phải ngồi vào bàn học, tới giờ nào là phải đi ngủ rồi. Nếu sinh hoạt gia đình chưa vào nề nếp thì nên điều chỉnh dần dần, cố gắng sắp xếp cho trẻ có giờ ăn, học và đi ngủ cố định vào buổi tối. Cuối tuần thì có thể thoải mái, cha mẹ con cái chơi thư giãn sao cũng được, nhưng những ngày trong tuần thì phải cố định.
Với bé từ 3 tới 6 tuổi
Trường hợp này rất dễ, bởi vì bé chưa bị áp lực phải hoàn thành bài ở trường. Cần luyện cho bé thói quen ngồi vào bàn học mỗi tối, dù 15-20 phút thôi cũng là đủ. Trong thời gian ngồi đấy,nên cho bé tự hoạt động vẽ tranh, xem sách, tô màu, tô chữ, chơi trò chơi tìm hình… Các hoạt động cần liên quan tới dùng kĩ năng tay để viết. Giờ ngồi vào học cần cố định, không nên bị xáo trộn.
Khi trẻ ngồi vẽ, bố mẹ cũng nên ngồi đọc một cái gì đó, tốt nhất là báo/ sách (không phải điện thoại), vừa ngồi quan sát trẻ vừa cho trẻ thấy bố mẹ có tinh thần đọc sách. Nếu trẻ hay í ới hỏi, không trả lời mà nên đặt đồng hồ, sau 5 phút con mới được hỏi, rồi tăng lên 6 phút, 7 phút cho tới 20 phút.
Nên cực kì hạn chế cho trẻ xem tivi và chơi điện thoại, ipad. Dùng nhiều điện thoại khiến con chậm phát triển! Làm sao đây khi CON ĐÃ NGHIỆN MÀN HÌNH?
Với bé học từ lớp 1 tới lớp 5
Nếu bé đã hình thành được thái độ tự giác học từ hồi nhỏ thì giờ rất khoẻ, bé biết tự động tới giờ phải ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý đối với trường hợp các em làm bài rất chậm hoặc là hỏi quá nhiều ( dựa dẫm vào cha mẹ)
2. Không nên doạ trẻ (nếu không học thì cô giáo phạt, nếu không học thì sau đi làm thợ hồ…)
Không nên nói như vậy vì sẽ mang lại tâm lý tiêu cực cho bé. Bé sẽ cảm thấy nếu không chịu học, không làm bài là đời mình bỏ rồi, mai mốt chắc chả làm nổi cái gì nữa. Dạ thưa, đó chỉ là suy nghĩ của cha mẹ thôi, chứ cuộc đời còn dài lắm, không học hôm nay chưa chắc đã thất bại mai sau. Việc học này chẳng qua chỉ là sự đối phó với nhà trường, với bằng cấp mà thôi, chứ chả ảnh hưởng gì đến thành công cho trẻ sau này đâu.
3. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ chưa có thói quen tự học
Hướng trẻ vào sự chủ động trong tư duy, đào sâu suy nghĩ, động não trước các bài tập khó,… mới là cách dạy con tự học đúng đắn. Cha mẹ chỉ nên khơi mở và gợi ý dựa trên những phát hiện. Hoặc những suy nghĩ tìm tòi của con chứ không nên làm bài hộ con.
Hướng dẫn trẻ cách tìm các tài liệu phục vụ việc học, mở mang kiến thức, kích thích ham mê tìm hiểu,… là phương pháp dạy con học được các chuyên gia giáo dục khuyến khích.
Khi con hoàn tất việc học, cha mẹ có thể cùng con thử sức với các trò chơi rèn luyện kĩ năng tư duy như trò giải đố, cờ vua, cờ tướng…
Khi đã nắm được các phương pháp tự học hiệu quả, con cái sẽ hoàn toàn tự giác và chủ động với việc học chứ không coi việc học và các vấn đề trong cuộc sống là điều quá khó khăn, trở ngại nữa.
Rất nhiều cha mẹ đang tự gây áp lực cho mình, rằng con mình phải nổi trội, phải giỏi, hoặc nếu không ít nhất cũng không thua con nhà hàng xóm. Học kiến thức là việc cả đời. Ở độ tuổi còn nhỏ này, cái trẻ cần hơn là các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp. Điểm số kỳ này của con có thể thấp hơn nhưng nếu con lễ phép, biết kính trên nhường dưới, vui vẻ, hòa nhã với mọi người thì cũng đâu phải là vấn đề quá to tát. Con vẫn có thể cố gắng ở những kỳ tiếp theo.
Chính cái nhìn tích cực của bố mẹ trong cách dạy con học sẽ ảnh hưởng tốt đến trẻ. Khi ấy, trẻ không coi việc học là việc bắt buộc, dần dần sẽ sớm coi việc học như một sở thích, thú vui.
Đừng la hét, đừng quát mắng, đừng biến giờ học cùng con thành ký ức kinh hoàng. Bạn vẫn có thể thi thoảng học cùng con, nhưng trước đó hãy chuẩn bị thật kỹ. Có thể thử áp dụng các phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh, dễ tiếp cận với trẻ và tăng hứng thú trong học tập.
Không kiểm tra bài vở của con không có nghĩa là bạn lơ đi hoàn toàn. Dạy con học đúng cách là cho con cảm nhận được sự tin tưởng từ cha mẹ và tìm thấy niềm vui trong học tập.
Tóm lại, đây chỉ là một vài gợi ý để giúp cha mẹ hình thành và cải thiện thái độ tự học cho con mình… Cha mẹ nên tìm ra cách phù hợp với hoàn cảnh nhà mình và tính tình của con mình. Chỉ có cha mẹ mới hiểu bản thân mình và con mình thôi ạ.