NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI HAY ĐỔ NHIỀU MỒ HÔI CẦN BIẾT

Bạn đang bị tăng tiết mồ hôi nhiều ở tay chân, đầu mặt, nách, thậm chí là toàn thân? Bạn đã điều trị nhiều cách nhưng mồ hôi vẫn không giảm? Đừng từ bỏ, bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ và tìm ra cách chấm dứt nỗi phiền toái này.  

Tăng tiết mồ hôi nhiều là bệnh gì? 

Đổ mồ hôi là cách cơ thể tự làm mát khi trời nóng hoặc vận động thể chất. Nhưng có khoảng 3 – 5% dân số trên thế giới bị ra mồ hôi nhiều quá mức đến nỗi họ cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân, tình trạng này được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi, thuật ngữ y khoa là hyperhidrosis (“Hidrosis” là đổ mồ hôi, “Hyper” là quá mức). 

Nguyên nhân chính là do rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh thực vật (cường giao cảm) gây nên. Bình thường, hệ giao cảm sẽ gửi tín hiệu thông qua các hạch thần kinh để chỉ huy tuyến mồ hôi bài tiết khi nóng. Tuy nhiên, vì hệ giao cảm hoạt động quá hưng phấn đã làm sai lệch tín hiệu truyền đi, hậu quả là mồ hôi bài tiết liên tục không kiểm soát. Mồ hôi có thể ra nhiều ở tay chân, nách, đầu, mặt, trán hoặc là toàn cơ thể. 

Yếu tố tinh thần, cảm xúc (lo âu, căng thẳng), sử dụng rượu bia, cà phê, thiếu ngủ là những tác nhân kích hoạt tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, ở người mắc chứng tăng tiết mồ hôi cũng hay cảm thấy hồi hộp, lo lắng, bồn chồn do hệ thần kinh bị rối loạn.

Nhiều bằng chứng nghiên cứu tại Mỹ đã làm sáng tỏ, tăng tiết mồ hôi có thể liên quan đến di truyền. Nếu cha mẹ hoặc anh chị trong gia đình từng bị ra nhiều mồ hôi thì 28% nguy cơ con cái họ sẽ thừa hưởng gen này.

Ngoài ra, còn có chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát xảy ra sau khi mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, cường giáp, bệnh gút, ung thư, nhiễm trùng, béo phì hoặc phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. 

Triệu chứng của bệnh tăng tiết mồ hôi

Bệnh tăng tiết mồ hôi rất dễ nhận biết, dấu hiệu đầu tiên là mồ hôi ra nhiều bất kể thời tiết nóng hay lạnh, mùa đông cũng như mùa hè, khi hoạt động hay nghỉ ngơi, cơ thể lúc nào cũng nhớp dính, khó chịu.  

Hầu hết các trường hợp bị tăng tiết mồ hôi xảy ra từ rất sớm, ban đầu chỉ là đổ mồ hôi trộm lúc còn bé, nhưng khi bước sang tuổi dậy thì, mồ hôi xuất hiện nhiều tại lòng bàn tay, bàn chân, và có thể sau đó là mồ hôi nách phát triển, đây là những nơi có mật độ tuyến mồ hôi dày nhất. Ở một số người, mồ hôi lại ra nhiều tại các vị trí khác như đầu, mặt, trán, lưng, thậm chí là toàn thân.

Ngoài ra, bệnh tăng tiết mồ hôi thường đi kèm với biểu hiện lo âu, căng thẳng, bất ổn tinh thần và tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc với người khác. 

Bệnh tăng tiết mồ hôi có nguy hiểm không? 

Mồ hôi nhiều gây vô vàn bất tiện, khó chịu và phiền toái cho những người mắc bệnh. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý, tinh thần và sức khỏe. 

– Đổ mồ hôi toàn thân: Khiến cơ thể nhanh mệt mỏi, kiệt sức do mất nhiều nước và điện giải. Làm tăng nguy cơ bị nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp khi đổ mồ hôi ban đêm và gây ra các bệnh ngoài da như mụn nhọt, mẩn ngứa, viêm lỗ chân lông…

– Đổ mồ hôi đầu, mặt, trán: Gây bất tiện vô cùng khi giao lưu ăn uống cùng bạn bè, đặc biệt là chị em phụ nữ sợ nhất điều này bởi mồ hôi làm trôi lớp trang điểm, đầu tóc lúc nào cũng bết dính như vừa nhúng nước, làm tăng thêm cảm giác bối rối và tự ti.

– Đổ mồ hôi nách: Mồ hôi gây ướt và tạo vết ố vàng trên áo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi phát triển càng khiến bạn cảm thấy xấu hổ trước đám đông.

– Đổ mồ hôi tay: Bàn tay chảy mồ hôi “ròng ròng” làm hạn chế khi chọn lựa nghề nghiệp, gây khó khăn trong công việc vì cầm vật gì cũng bị trơn tuột đi và khiến bạn ngại không dám bắt tay với mọi người. 

– Đổ mồ hôi chân: Gây hôi chân, nhiễm nấm, vi khuẩn, nhất khi đi giày nhiều

Tăng tiết mồ hôi lâu ngày sẽ khiến cho hệ thần kinh thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dẫn đến rối loạn về nhịp tim, nhịp thở, người bệnh có thể gặp rắc rối với nhịp tim nhanh, hay hồi hộp, lo âu, viêm loét dạ dày. Nhiều người luôn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng khi không tìm được giải pháp thích hợp, tính tình thay đổi, thiếu hòa nhã, hay nóng nảy, cáu gắt với người xung quanh.

Thay đổi lối sống để kiểm soát tăng tiết mồ hôi hiệu quả

– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể là nước lọc hoặc sinh tố trái cây giúp làm mát cơ thể, giảm lượng mồ hôi bài tiết ra.

– Ăn các thực phẩm giàu vitamin B1, canxi, magie như cá, trứng, thịt, nơ, khoai lang, cà rốt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt,…

– Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, sử dụng màu đen hoặc màu trắng để mồ hôi không hiện rõ.

– Tập điều tiết cảm xúc để không bị căng thẳng, lo lắng quá mức khiến mồ hôi ra nhiều hơn.

– Không nên uống rượu bia hoặc các gia vị cay nóng có mùi như tiêu, tỏi, ớt.

– Hạn chế các hoạt động dưới trời nắng.

– Tránh đi tất, mặc quần áo quá chật, chất liệu nóng như sợi nylon nhân tạo.

(Big_Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây