Do hệ hô hấp chưa hoàn thiện, bé có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc trị ho. Chẳng hạn như nhóm thuốc trị ho chứa hoạt chất kháng histamin, có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Do vậy, bậc phụ huynh nên lưu ý khi sử dụng thuốc trị ho cho trẻ.
1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ nhỏ
Ho thường là biểu hiệu của cơ thể trẻ đang phản ứng lại với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế việc xâm nhập của dị vật hoặc tham gia vào việc tống xuất dịch tiết.
Một số tình trạng ho như trẻ bị ho khan, ho kèm sổ mũi và nôn, trẻ ho có đờm, trẻ bị ho kéo dài không khỏi, ho về đêm là điều khiến cho các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Nguyên nhân là do:
- Các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên: Những bệnh lý thường gặp như cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan thường ho khan, hoặc ho có đờm do dịch tiết chảy từ xoang hoặc mũi sau.
- Các bệnh liên quan đến hô hấp dưới: Các nguyên nhân có thể gặp như viêm thanh quản với khàn tiếng, ho khan ho vang dội, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,…
- Một số nguyên nhân khác: Các nguyên nhân khác hay gặp như ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ho do dị ứng, ho do tác nhân vật lý, hóa học như hít phải khói thuốc lá thụ động.
2. Có nên tự mua thuốc điều trị ho cho bé không?
Khi bé bị ho, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Thực tế, hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích việc bố mẹ tự ý cho trẻ nhỏ dùng thuốc.
Khi bé được 6 tuổi, bố mẹ có thể đến nhà thuốc mua thuốc ho cho bé, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn của dược sĩ đứng quầy và lưu ý:
- Liều lượng phù hợp của thuốc đối với độ tuổi của trẻ.
- Không nên cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm, vì trong mỗi thuốc thường có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau và vô tình cho trẻ dùng một hoạt chất nào đó quá liều lượng, dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
3. Lưu ý chọn thuốc trị ho cho trẻ
Ho khan: Trong trường hợp trẻ bị ho khan, ho dữ dội, họng khô và ngứa nhưng mũi không chảy nước và không ngạt thì nên sử dụng thuốc trị ho một mình trước khi đi ngủ.
Ho có đờm vừa phải: Nếu trẻ ho có đờm nhẹ, mỗi giờ vài lần ho, trẻ vẫn ngủ ngon; hoặc có ứ đọng ở ngực, khó ho bật đờm ra thì nên dùng thuốc long đờm. Nhóm thuốc long đờm, tiêu chất nhầy làm giảm độ đặc quánh của đờm, chất nhầy để dễ ho khạc nhưng có thể gây tràn dịch phổi và phá hỏng lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc long đờm không phải là thuốc chống ho vì thuốc không có tác dụng vào cơ chế gây ho, không cắt cơn ho.
Chảy mũi, ngạt mũi | Dùng các thuốc kháng histamine và chống ngạt mũi nếu bé chảy mũi và ngạt mũi gây ảnh hưởng tới giấc ngủ nhưng ít ho. Đa số các thuốc chỉ có tác dụng 4-6 tiếng, vì vậy có thể lắp lại liều thuốc vào ban đêm |
Ngạt mũi | Trường hợp bé ngạt mũi nhưng nước mũi chảy không nhiều thì thuốc chống ngạt mũi sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Thuốc cũng giúp làm khô chất xuất tiết. Thuốc chống ngạt mũi nên dùng vào ban ngày sẽ tốt hơn vì nó gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ |
Ho, ứ đọng ở ngực | Nếu trẻ ho có đờm, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ hoặc hoạt động ban ngày nhưng mũi không chảy và không ngạt thì dùng phối hợp thuốc ức chế ho và thuốc long đờm |
Ho đêm, ngạt mũi, chảy nước mũi, ứ đọng ở ngực | Phối hợp các thuốc kháng histamin/chống ngạt mũi/ức chế ho khi trẻ bị ngứa mũi, ngạt và chảy nước; kèm theo ho nhiều, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Lưu ý: Nên sử dụng các thuốc trị ho này vào ban đêm vì thành phần kháng histamin sẽ khiến trẻ buồn ngủ |
4. Một số phương pháp chăm sóc khi trẻ bị ho
Hệ miễn dịch yếu là nguyên nhân khiến bé dễ bị ho khi thời tiết thay đổi. Ho có thể làm bé mệt mỏi, chán ăn, giật mình thức giấc, thậm chí trào ngược sữa và thức ăn… Việc xử trí sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Dưới đây là những lưu ý cho mẹ khi chăm bé ho:
Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi | nhiều trường hợp trẻ bị ho kèm tăng tiết nước mũi gây khó thở, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến trẻ khó chịu khi ăn. Thì bậc phụ huynh nên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi có thể giúp giảm chất nhầy trong mũi và giảm sưng đường hô hấp, giúp trẻ có thể ho tống đờm ra dễ dàng hơn |
Cho trẻ uống nhiều nước hơn | bổ sung nước có thể giúp giảm chất nhầy ở mũi và đường hô hấp, trẻ sẽ đỡ khó thở và ho cũng dễ dàng hơn. Có thể cho trẻ dùng các loại đồ uống như nước, nước trái cây, sữa. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì chỉ nên cho bú sữa mẹ |
Dùng một lượng nhỏ mật ong | mật ong giúp làm dịu họng và giảm ho. Có thể cho trẻ uống 1⁄2 muỗng cà phê mật ong trước khi đi ngủ. Nhưng lưu ý là không nên dùng biện pháp này cho trẻ dưới 1 tuổi |
Gối cao đầu khi nằm | Có thể cho trẻ dùng một chiếc gối cao hơn hoặc kê thêm một chiếc khăn vào gối để nâng đầu cao hơn, điều này sẽ giúp trẻ thở dễ dàng hơn và ho cũng sẽ giảm |
Sử dụng máy làm ẩm không khí | Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ vào ban đêm, không khí ẩm sẽ giúp trẻ dễ thở hơn và giảm kích ứng gây ho |
Chế biến thức ăn dễ nuốt | họng của trẻ có thể bị sưng, đau và xước do ho. Vì vậy bố mẹ chú ý chế biến những loại thức ăn mềm, mịn, dễ nuốt để không gây khó chịu mà lại đảm bảo được dinh dưỡng trong đợt ốm cho trẻ. Những thức uống ấm như: súp gà, socola nóng cũng giúp dịu cổ họng |
Trong trường hợp sau, phụ huynh cần gọi cấp cứu hoặc đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức đối với cơn ho kèm theo một trong các dấu hiệu sau đây:
- Bé có biểu hiện tím tái môi và quanh môi.
- Bé thở mệt, thở gắng sức.
- Bé ngừng thở.
- Tỏ vẻ rất yếu ớt hoặc mệt mỏi
- Bản thân bé hoặc bố mẹ cảm thấy có dị vật bị kẹt trong họng
- Cảm thấy khó chịu khi thở hoặc nói chuyện
- Ho kèm nôn mửa.
- Mặt hay da môi tím khi ho
- Đau ngực khi thở sâu
- Ho và thở khò khè
- Chảy nước dãi hoặc khó nuốt
- Bé dưới 4 tháng tuổi có nhiệt độ tại trực tràng trên 39° C
- Bé sốt cao 40° C, không cải thiện trong vòng hai giờ sau khi sử dụng thuốc hạ sốt.
- Bé nhũ nhi bú kém hoặc bỏ bú.