Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai. Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là đặc biệt cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở cả mẹ và bé.Tiêm uốn ván cho bà bầu là một trong những mũi tiêm bắt buộc để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Vậy khi tiêm uốn ván cho bà bầu cần lưu ý những gì?
1. Tổng quan về bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do trực khuẩn Clostridium Tetan gây ra. Trực khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường sống, đặc biệt ở bụi bẩn, chất thải động vật, đất cát và có thể lây nhiễm vào người khỏe thông qua vết thương hở ngoài da. Độc tố của Clostridium Tetan rất mạnh, khả năng sinh tồn cao nên gây bệnh nhanh. Theo thống kê, bệnh nhân bị mắc uốn ván có tỷ lệ tử vong lên tới hơn 90%. Tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ sơ sinh với 95% ca tử vong. Thai phụ đang trong thai kỳ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh uốn ván rất cao, nhất là khi sinh nở hoặc lúc cắt dây rốn cho trẻ. Nếu người bệnh mắc phải mà không điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ tử vong
2. Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2
Đối với vắc-xin phòng ngừa uốn ván, lịch trình tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2 sẽ khác với lần đầu. Số mũi tiêm còn phụ thuộc vào mũi tiêm cuối cùng cách đó bao lâu. Cụ thể là:
Nếu thai phụ mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm trở lại:
- Bà bầu cần tiêm theo quy tắc:
- Mũi đầu tiên trong 3 tháng giữa của thai kỳ (Tháng thứ 4,5,6)
- Mũi thứ 2 sẽ tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
Nếu thai phụ mang thai lần 2 hoặc những lần sau mà trong vòng 5 năm trở lại chưa tiêm vắc-xin uốn ván nhắc lại
- Bà bầu cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ (Tháng thứ 4,5,6)
Nếu thai phụ đã được tiêm phòng 3 mũi Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván từ bé
Bà bầu chỉ cần tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.
Nếu thai phụ đã được tiêm phòng 3, 4 mũi uốn ván từ trước nhưng lần tiêm cuối cùng >1 năm
Bà bầu nên tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván
Bà bầu không cần phải tiêm phòng uốn ván khi mang thai lần 3, 4, 5…. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ đã là trên 95%, nhưng nếu thời gian tiêm phòng quá 10 năm thì cần tiêm nhắc lại 2 mũi.
Nếu thai kỳ trước đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin uốn ván cách nhưng không quá 10 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi vắc-xin từ tuần thai 20 trở đi.
Dù thai phụ đã được tiêm phòng uốn ván đầy đủ trước đó hoặc ở những lần sinh trước thì vẫn cần thiết tiêm các mũi nhắc lại. Đây là điều mà mẹ mang thai lần 2, 3 cần đặc biệt lưu ý. Ngoài ra những người bầu lần 2 mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non thì có thể tiêm phòng uốn ván sớm hơn. Tuy nhiên cách tốt nhất là trao đổi và tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian tiêm chủng thích hợp.
3. Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có nguy hiểm không?
Trước khi mang thai, các mẹ đã được khuyến cáo nên tiêm phòng nhiều loại vắc-xin phòng bệnh lây nhiễm khác như sởi, quai bị, rubella,… Với vắc-xin uốn ván, các mẹ bầu cũng cần tiêm phòng vào một số thời điểm thích hợp trong thai kỳ đã được chỉ định trước đó. Nhiều chị em không hiểu rõ vấn đề này nên tâm lý vẫn còn e ngại, lo lắng việc tiêm phòng cho bà bầu sẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu thực chất là giúp cơ thể người mẹ tạo kháng thể bảo vệ trước, tránh nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ. Hơn nữa, việc tiêm phòng cũng hỗ trợ sang cơ thể trẻ, giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh ở trẻ.
Vắc-xin uốn ván cho thai phụ đều đã được kiểm định đảm bảo an toàn cho mẹ và con, không những không ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi mà còn có thể bảo vệ sức khỏe tốt cho cả hai mẹ con. Vì thế, các mẹ không nên quá lo lắng mà nên thực hiện tiêm phòng theo đúng chỉ định của bác sĩ và khuyến cáo của Bộ Y Tế.
4. Lưu ý khi tiêm phòng cho bà bầu
Trong một số trường hợp người được tiêm chủng uốn ván có thể cảm thấy sốt nhẹ, hơi đau nhức, sưng đỏ ở vết tiêm, gây ra hiện tượng giả cúm như hắt hơi, sổ mũi vài ngày. Đây đều là phản ứng phụ thông thường của vắc-xin nên không cần quá lo lắng và cũng không nên sử dụng thuốc hay chườm lên vết tiêm bởi hiện tượng này sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý theo dõi sức khỏe, nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường thì nên đi đến các cơ sở y tế để theo dõi ngay lập tức. Ví dụ như thấy xuất hiện các triệu chứng như: chân tay lạnh, tim đập, cảm giác khó thở, da xanh xao, tiêu chảy… thì cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh tình trạng sốc phản vệ sau tiêm.
Để hạ sốt sau khi tiêm phòng (nếu có), mẹ bầu có thể tham khảo một số cách như:
- Dùng khăn ấm lau qua người hoặc chườm lên các vị trí như: bẹn, nách hoặc lưng để giảm nhiệt độ cơ thể.
- Uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin.
- Tuyệt đối không tự ý mua và uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Lộ trình tiêm phòng cho bà bầu có thể sẽ hơi rắc rối với nhiều mũi tiêm, tuy nhiên, mẹ bầu nên sắp xếp thời gian để tiêm phòng đủ các mũi tiêm trong thời gian mang thai. Tiêm sau ít nhất từ tuần thai 20 trở đi và cách ngày sinh ít nhất 30 ngày để đảm bảo khả năng kháng bệnh của cơ thể. Mẹ bầu tuyệt đối không tự ý đi tiêm mà cần dựa trên tính toán số tuổi thai, số lần mang thai.
(Nguồn: Vinmec)