Bất cứ người mẹ nào cũng mong có thật nhiều sữa cho con bú sau sinh. Trớ trêu thay, nhiều mẹ không đủ sữa nhưng có mẹ lại khốn khổ vì sữa về nhanh lại nhiều. Quá nhiều sữa bé bú không hết, chảy ướt áo, ẩm ướt khiến mẹ khó chịu lại căng tức vì sữa về làm mẹ đau tức ngực. Chưa hết, sữa về nhiều bé bú không kịp đôi khi lại ảnh hưởng tới bé. Tia sữa mạnh và nhanh khiến bé bị sặc, sữa sốc lên mũi, nôn trớ,…
1. Nguyên nhân sữa mẹ về quá nhiều?
Sữa nhiều hay ít một phần do cơ địa của mỗi mẹ, tuy nhiên sữa mẹ về nhiều cũng có nguyên nhân. Mẹ nhiều sữa là do bé bú vào buổi sáng, đây là thời điểm sữa về dồi dào nhất. Sau một đêm ngủ lấy lại năng lượng, sữa mẹ về nhiều hơn.
Phản xạ sữa của mẹ hoạt động quá mạnh, có sự chênh lệch ở sữa đầu và sữa sau. Sữa đầu loãng, ngọt, nhiều đường nhưng chất béo lại chẳng có bao nhiêu. Bù lại sữa sau ít ngọt hơn nhưng lại chứa nhiều chất béo, chất dinh dưỡng và năng lượng.
2. Sữa nhiều có ảnh hưởng tới mẹ và bé không?
Vì sữa mẹ nhiều nên khi bú bé bú sữa đầu đã gần no, đến lúc tới được sữa sau bé lại bú ít khiến bé nhanh đói. Trong sữa đầu lại ít chất dinh dưỡng hơn nên cơ thể bé sẽ không hấp thu hết được. Sữa nhiều, tia sữa bắn mạnh và rất nhanh đôi lúc khiến nhiều bé sợ, không dám bú lại. Bé bị sặc sữa, nôn trớ nếu sữa vào miệng quá nhanh bé nuốt không kịp.
Bên cạnh đó, sữa về nhiều bé bú không hết mà cơ chế tiết sữa lại tiết ra liên tục khiến ngực mẹ căng tức. Sữa nhiều chảy cả ra áo, ẩm ướt cả ngày làm mẹ không được thoải mái, đôi khi lại bị viêm đầu ti.
3. Giải quyết vấn đề sữa nhiều như thế nào?
Để giải quyết vấn đề sữa nhiều, bé bú không hết mẹ nên thử áp dụng những cách sau đây:
Cho bé bú mỗi lần 1 bên ngực:
Vì bú một bên ngực, bé sé bú được cả sữa đầu và sữa cuối của mẹ. Bình thường, một cữ bú của bé tầm 15-20 phút. Sau 1-2 tiếng bé đói lại mẹ hãy cho bé bú tiếp ngực đó khoảng 15-20 phút nữa nhé.
Bình thường trẻ rất thích mút ti mẹ, vì vậy khi bé no nhưng vẫn đòi bú mẹ chỉ cho bé mút ti ở ngực cũ thôi. Nếu ngực kia quá căng thì mẹ có thể dùng máy hút sữa hút vơi bớt để thoải mái hơn.
Lưu ý: khi hút sữa, chỉ hút để không còn căng tức khó chịu chứ không nên hút cạn nhé. Vì theo cơ chế tiết sữa của bầu sữa mẹ, sữa cạn hết kích thích sữa mới ra nhiều hơn đấy.
Nên đổi tư thế khi cho bé bú:
Thay đổi tư thế khi bé bú giúp bé dễ dàng kiểm soát được lượng sữa hút ra hơn. Với các tư thế như:
– Tựa tưng, đỡ bé nằm đối diện với ngực mẹ, đầu cao hơn vú, nằm thoải mái trên đùi mẹ.
– Tư thế mẹ nằm nghiêng, để bé nằm sát hoặc nằm trên ngực mẹ, nhờ trọng lực, lượng sữa tiết ra sẽ giảm bớt hơn.
Điểm lưu ý dù ở tư thế nào đầu bé cũng phải cao hơn thân. Nếu bé còn quá nhỏ, mẹ có thể bế bé nằm nghiêng để sữa tiết ra đều hơn mà không quá nhanh. Khi cho bé bú, mẹ nên chuẩn bị khăn sữa mềm để lau, thấm sữa khi sữa chảy ra.
Cho bé bú thường xuyên:
Sữa nhiều khiến mẹ đau tức ngực thì giải pháp nữa đó là cho bé bú thường xuyên hơn. Mỗi cữ bú tầm 15-20 phút, cách 1-2 tiếng mẹ lại cho bé bú để sữa vơi nhanh hơn. Bé bú càng nhiều lần thid lượng sữa bị tràn ra càng ít.
Ngoài ra, mẹ nên cho bé bú trước khi sữa tràn về nhiều và trở nên căng cứng, tức ngực.
Tâm lí thoải mái, bớt lo lắng, cố gắng thư giãn:
Khi sữa chảy về quá nhanh và mạnh mẹ nên bình tĩnh để xử lý và không cho bé bú ngay. Mẹ nên vắt trước một ít sữa để các tia sữa đầu mạnh ra, sau đó khi sữa đã ổn định trở lại, mẹ hãy cho bé bú.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng máy hút sữa hút trước một ít sữa đầu, đem cất đi sau đó cho bé bú sữa sau, vừa nhiều dinh dưỡng lại giảm căng tức sữa.
Sữa đầu mẹ có thể trữ đông để sau này sữa mẹ vơi dần có thể cho bé bú.
Đủ sữa nuôi con đã là niềm hạnh phúc của mẹ, nếu mẹ có quá nhiều sữa, cũng đừng lo lắng hay khó chịu nhé. Vì mẹ phải cảm thấy đó là một may mắn lớn, ngày nay tình trạng thiếu sữa còn rất phổ biến.