Hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận khác nhau của cơ thể bị viêm như tim, phổi, thận, não, da, mắt, tiêu hóa. MIS-C có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong sau 2 – 4 tuần nhiễm COVID-19 nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Nguy cơ bị MIS-C ở trẻ mắc COVID-19
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chuyên gia nhận thấy Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), tình trạng viêm hiếm gặp và nghiêm trọng, có thể xuất hiện vài tuần sau khi trẻ khỏi bệnh COVID-19.
Theo các nhà khoa học, MIS-C thường xuất hiện ở trẻ vào thời điểm khoảng 4 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Hội chứng này gây ra tình trạng viêm sâu khắp cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng lớn trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện nhi Philadelphia ( Mỹ) cho biết 4/5 số trường hợp MIS-C có ảnh hưởng tới tim. Một nửa số trẻ mắc MIS-C bị suy giảm chức năng tâm thất trái, buồng tim có chức năng bơm máu giàu oxy đi nuôi cơ thể.
TS Pei-Ni Jone, chuyên gia tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi Colorado (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu nhưng đang tìm hiểu về tác động của MIS-C đối với tim, cho biết MIS-C xuất hiện ở khoảng 1/3.000 bệnh nhi mắc COVID-19.
“Tim là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi MIS-C và điều đáng quan tâm là khi chức năng tim suy giảm có thể dẫn đến tổn thương thận hoặc gan” – TS Jone cho biết thêm.
Theo TS Kevin Friedman, chuyên gia tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu: “Các triệu chứng rất đa dạng, từ không có biểu hiện gì đến tình trạng huyết áp thấp nghiêm trọng, và trẻ bị tình trạng nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực với ống thở và thuốc trợ tim”.
![](https://rangsua.vn/wp-content/uploads/2022/03/covid-o-tre-em-1.jpg)
2. Những triệu chứng của viêm đa hệ thống hậu COVID-19 ở trẻ em
Hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 ở trẻ em xảy ra chủ yếu từ 2 – 6 tuần sau khi khỏi bệnh
Theo WHO, hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan (MIS-C) chẩn đoán khi có các dấu hiệu sau:
– Sốt ≥ 3 ngày (sốt trên 38.5C)
– Trẻ có 02 trong các dấu hiệu sau:
+ Ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng, phù nề bàn tay, chân.
+ Hạ huyết áp hoặc sốc: Trẻ mệt mỏi, da nhợt nhạt
+ Suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, viêm mạch vành tăng proBNP, Troponin.
+ Rối loạn đông máu (chỉ số PT, APTT, D-dimer cao)
+ Rối loạn tiêu hóa cấp tính: Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn
– Tăng các chỉ số viêm khi xét nghiệm máu (CRP, máu lắng, procalcitonin)
– Đã loại trừ các nguyên nhân nhiễm trùng khác.
– Trẻ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trong vòng 2-6 tuần (xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính).
Tuy nhiên, trên thực tế nếu cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng dưới đây sau khi khỏi COVID-19 từ 2-6 tuần thì nên cho trẻ tới bệnh viện để được thăm khám kịp thời:
– Sốt > 38,5 trên 3 ngày
– Đau ngực trái
– Huyết áp thấp, chóng mặt thậm chí ngất
– Khó thở
– Đau bụng, buồn nôn và nôn, đi ngoài
– Ngủ kém, hay thức giấc, giảm tập trung, hay quên, thay đổi tâm trạng
– Mắt đỏ, xung huyết
– Niêm mạc họng đỏ xuất huyết, da phát ban
– Phù tay, chân
Nếu trẻ được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì diễn tiến bệnh thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
3. Phòng ngừa hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em
Trong bối cảnh trường học được mở trở lại, học sinh tới trường học trực tiếp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Để hạn chế trẻ mắc COVID-19, tránh di chứng hậu COVID-19, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp như:
– Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ theo khuyến cáo. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ, các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng hậu MIS-C.
– Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh.
– Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay.
– Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý.
– Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ:
+ Bổ sung nước ép hoa quả, rau xanh, các loại cả có màu sắc, uống các multivitamin như Ginkid…
+ Tăng cường chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày giúp điều hòa, giảm phản ứng viêm và tình trạng đau đầu, mệt mỏi. Chất béo có thể sử dụng gồm mỡ cá, thực phẩm có Omega 3, DHA…
+ Ăn nhiều thực phẩm giàu đạm như: trứng, sữa, đạm động vật… giúp tăng cường kháng thể và bổ sung khối cơ.
Rất hiếm khi trẻ mắc COVID-19 bị MIS-C vậy nên các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng. Hãy giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh nếu không may trẻ nhiễm COVID-19 để cùng con vượt qua. Khi trong nhà có trẻ nhiễm COVID-19, cần theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu mắc phải Hội chứng viêm đa hệ thống không. Nếu có bất cứ triệu chứng nghi ngờ, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cần chăm sóc bản thân tốt nhất có thể bằng cách ăn uống đủ chất, kết hợp ngủ nghỉ và hoạt động thể chất điều độ. Và giải tỏa căng thẳng bằng một số kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn cơ và thiền giúp bình tĩnh, vượt qua những lo lắng không đáng có.
(BP_tổng hợp)