ĐIỀU TRỊ VIÊM NANG LÔNG HIỆU QUẢ

Viêm nang lông là một bệnh ngoài da mà tại đây các lỗ chân lông bị viêm nhiễm, gây ngứa ngáy, đỏ mẩn, nổi sần, các sợi lông bị cuộn tròn vào trong. Tuy mức độ nguy hiểm không cao, nhưng đây là căn bệnh khiến nhiều chị em phụ nữ ái ngại bởi gây khó chịu, ngứa ngáy, đặc biệt là làm mất thẩm mỹ. Do đó, làm sao để chữa viêm nang lông là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm nhất hiện nay.

1. Nguyên nhân viêm nang lông do đâu?

Hầu hết các bệnh ngoài da đều do nhiều yếu tố tác động, viêm nang lông (hay còn gọi là viêm lỗ chân lông) cũng không ngoại lệ. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là bước đầu trong quá trình chữa viêm nang lông. Vậy viêm nang lông do đâu mà ra?

Theo các nhà nghiên cứu da liễu, các loại vi khuẩn chủ yếu là tụ cầu khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng là những “tội phạm” gây ra viêm nang lông. Chúng trú ngụ dưới các nang lông chờ thời cơ thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh. 

Có một số nguyên nhân mà chúng ta thường ít để ý tới như:

+ Sống trong thời tiết nóng, có độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, vệ sinh da kém.

+ Tắm trong bồn nước nóng.

+ Mặc quần áo quá chật và chất liệu được làm từ các sợi tổng hợp.

+ Nhổ lông, tẩy lông, sau khi cạo lông không vệ sinh đúng cách.

+ Do dị ứng thuốc, bôi thuốc có chứa các thành phần kích thích mạnh.

+ Da tăng tiết bã nhờn gây bịt kín lỗ chân lông,…

2. Triệu chứng của viêm nang lông

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm nang lông bao gồm:

+ Sẩn nhỏ ở nang lông, trên có vảy tiết, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi, không để lại sẹo.

+ Người bệnh có cảm giác hơi đau hoặc ngứa

+ Số lượng tổn thương có thể rải rác một vài tổn thương, cũng có thể có nhiều tổn thương.

+ Bệnh thường tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

3. Chẩn đoán viêm nang lông

Chẩn đoán viêm nang lông dựa vào triệu chứng lâm sàng gồm: tổn thương sẩn nhỏ ở nang lông, có thể hơi ngứa hoặc đau do nhiễm trùng.

Xét nghiệm : lấy mủ tại vùng tổn thương để nuôi cấy vi khuẩn hoặc cạo vảy da vùng tổn thương để xét nghiệm vi nấm.

4. Điều trị viêm nang lông

Phương pháp điều trị viêm nang lông :

+ Cần loại bỏ các yếu tố thận lợi như mặc quần áo chật, cạo râu, nhổ lông, dùng thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng, dùng corticoid lâu ngày…

+ Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn…

+ Tránh cào gãi, kích thích tổn thường

+ Tùy vào mức độ tổn thương: với trường hợp nhẹ có một vài tổn thương chỉ cần dùng dung dịch sát khuẩn kết hợp với kháng sinh bôi tại chỗ. Trường hợp nặng cần phối hợp điều trị tại chỗ và kháng sinh đường toàn thân.

Dung dịch sát khuẩn: có thể dùng một trong các dung dịch sau:

  • Povidon-iodin 10%
  • Hexamidine 0.1%
  • Chlorhexidine 4%

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: dùng một trong các thuốc sau, thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

  • Kem hoặc mỡ axit fucidic: bôi 1-2 lần/ngày
  • Mỡ Mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày
  • Mỡ Neomycin bôi 2-3 lần/ngày
  • Kem silver sulfadiazin 1% bôi 1-2 lần/ngày
  • Dung dịch erythromycin bôi 1-2 lần/ngày
  • Dung dịch Clindamycin bôi 1-2 lần/ngày

Kháng sinh đường toàn thân: sử dụng một trong các thuốc sau, thời gian điều trị 7-10 ngày.

  • Cloxacilin uống, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cứ 6 giờ dùng 250-500 mg, ở người lớn. Trẻ em dưới 20kg cân nặng, cứ 6 giờ dùng liều 12.5-25 mg/kg.
  • Amoxicillin/Clavulanic: người lớn 875/125 mg x 2 lần/ngày, uống. Trẻ em 25 mg/kg/ngày chia hai lần, uống.
  • Clindamycin: người lớn 300-400 mg x 3 lần/ngày, uống hoặc truyền tĩnh mạch. Trẻ em liều 10-20 mg/kg/ngày chia 3 lần, uống hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Trường hợp do tụ cầu vàng kháng Methicilin dùng Vancomycin: người lớn liều 30 mg/kg/ngày, chia 4 lần (không dùng quá 2 g/ngày), pha loãng truyền tĩnh mạch chậm. Trẻ em liều 40 mg/ngày chia 4 lần (cứ 6 giờ tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 10mg/kg).

5. Phòng bệnh

+ Vệ sinh cá nhân

+ Tránh các yếu tố thuận lợi như môi trường nóng ẩm, các hóa chất dầu mỡ

+ Điều trị sớm khi có tổn thương da

+ Trường hợp tái phát cần lưu ý vệ sinh tốt loại bỏ các ổ vi khuẩn trên da như vùng rãnh mũi má, rãnh liên mông…

+ Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội bằng nước ấm để đẩy lùi các tác nhân gây bệnh.

+ Thiết lập các chế độ ăn có khoa học, ăn những thức ăn chứa nhiều vitamin, tươi mát.

+ Không tự ý cạo, nặng các hạt mụn mủ,…

+ Không mặc quần áo quá chật, và hạn chế mặc chung quần áo.

+ Không dùng nhíp nhổ lông, triệt lông đúng cách, hạn chế sử dụng những loại kem triệt lông bán tràn lan trên thị trường.

6. Một số phương pháp điều trị tại nhà cho các trường hợp bị nhẹ

Kết hợp mật ong, chanh và đường kính: 

Dưới sự kết hợp của mật ong giúp dưỡng ẩm, chống viêm, Chanh giúp giảm các vết thâm do viêm nang để lại và đường kính giúp tẩy chế bào chết, trẻ hóa da. Sự kết hợp hoàn hảo này sẽ giúp bạn chữa trị bệnh hiệu quả và mang đến cho bạn một làn da trắng, khỏe không có di chứng của viêm nang lông. 

Chữa trị viêm nang lông bằng tinh dầu dừa: 

Bôi trực tiếp dầu dừa vào những vùng bị viêm nang lông hàng ngày. Mỗi ngày chỉ cần dùng một lần, massage nhẹ nhàng trong vòng 15 phút là đã có thể phát huy được tác dung của dầu dừa. Ngoài ra các bạn có thể trộn 4 – 5 muỗng nước cốt chanh cùng với nó. Trong quá trình tắm hãy dùng vỏ chanh đã vắt thấm vào hỗn hợp này, bôi lên vùng bệnh và massage nhẹ nhàng, sau đó tắm lại bằng nước ấm. 

Tác dụng của chanh và dầu dừa giúp kháng khuẩn, chống lại sự phát triển của vi khuẩn, nấm,… ngăn chặn sự hình thành và phát triển các tác nhân bên trong nang lông. Không chỉ vậy, hai loại này còn giúp dưỡng ẩm da, đẹp da, chống để lại vết thâm một cách hiệu quả.

Trên đây là những cách chữa viêm nang lông hiệu quả mà các bạn có thể tham khảo. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn nhanh chóng đẩy lùi bệnh viêm nang lông, lấy được được làn da mịn màng, trắng khỏe để có thể tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.

(BP_Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây