Thông thường, khi bước sang tháng thứ 6 bé sẽ bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Khi bé sẵn sàng, có một vài dấu hiệu giúp mẹ nhận biết được thời điểm thích hợp để đa dạng hóa thực đơn dinh dưỡng của con ngoài sữa. Nếu vẫn còn băn khoăn khi nào cho bé ăn dặm, mẹ nên tham khảo các dấu hiệu dưới đây nhé.
Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng đều khuyên cha mẹ nên đợi tới khi bé được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn dặm, kể cả dù trẻ sơ sinh đòi ăn sớm khi được 4 hoặc 5 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì:
- Cho bé ăn dặm sớm khiến bé bỏ lỡ một số chất dinh dưỡng thiết yếu từ sữa mẹ (bao gồm năng lượng, vitamin và khoáng chất giúp bé phát triển);
- Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển và hoàn thiện. 6 tháng tuổi là mốc bé dễ dàng tiêu hóa thức ăn hơn;
- Các cơ quan trong cơ thể trẻ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện việc phối hợp với nhau. Sau 6 tháng tuổi, bé sẽ dễ dàng nuốt thức ăn, giảm nguy cơ bị nghẹn;
- Sữa mẹ cung cấp cho bé tất cả dưỡng chất cần thiết trong 6 tháng đầu tiên nên trước thời điểm này, cha mẹ không cần phải cho con ăn dặm.
Một số dấu hiệu cho con ăn dặm các mẹ cần biết.
- Cân nặng tăng gấp đôi so với khi sinh: Đây là dấu hiệu cho thấy bé cần ăn thêm thức ăn mới ngoài sữa mẹ để đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết;
- Bé giữ được tư thế ngồi cân bằng, có thể giữ đầu ổn định – dấu hiệu cho thấy bé đủ cứng cáp để có thể bắt đầu làm quen với thức ăn đặc hơn;
- Bé với tay lấy đồ vật và đưa vào miệng chính xác, gọn gàng;
- Bé có thái độ hợp tác khi được đút thức ăn;
- Bé biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn một món nào đó;
- Lưỡi bé không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ như trước; Bé muốn đưa mọi thứ vào miệng để nếm thử.
- Ban đêm, bé ngủ không yên: có thể ban ngày, bé ăn không đủ no nên ban đêm khó ngủ.
- Ban ngày, bé không thể chơi ngoan. Điều này chứng tỏ trẻ đã có nhu cầu khẩu phần cao hơn, cần bổ sung thêm dinh dưỡng để đảm bảo trẻ đủ no.
- Ánh mắt thèm thuồng khi nhìn thấy đồ ăn.