CÓ NÊN VỪA NGHE NHẠC VỪA HỌC HAY KHÔNG?

Trong hầu hết các gia đình, các bậc cha mẹ luôn tin rằng một môi trường “yên tĩnh” khi con đang học là điều cần thiết để giúp con tập trung. Nhưng cũng có một số người cho rằng lúc trước họ cũng vừa học vừa nghe nhạc nhưng không có gì ảnh hưởng, thậm chí còn có hứng thú học hành hơn. Hãy cùng mình tìm hiểu xem đây là việc ‘lợi bất cập hại’ không nhé.

Tại sao trẻ thích nghe nhạc trong khi học?

Điều này cũng đặt ra câu hỏi cho hầu hết các bậc cha mẹ, tại sao học sinh, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên thích nghe nhạc trong khi học? Một cuộc trò chuyện cùng các học sinh trung học cơ sở cho thấy có 3 lý do chính:

Đầu tiên, nghe nhạc có thể làm cho việc học đỡ căng thẳng

Học sinh bây giờ có thể nói áp lực học tập rất lớn, ngoài việc học ở trường, về nhà phải làm rất nhiều câu hỏi ôn tập, đặc biệt là lớp cuối cấp. Một học sinh nói: “Thời gian thoải mái nhất mỗi ngày là về nhà để làm bài tập, nghe bản nhạc yêu thích, căng thẳng cả ngày như được cởi bỏ, tâm trạng cũng sẽ hạnh phúc hơn nhiều, tốc độ làm bài tập ở nhà sẽ trở nên nhanh hơn”.

Thứ hai, nghe nhạc có thể ngăn ngừa cơn buồn ngủ

Khi học tập, mắt sẽ tập trung vào sách, dẫn đến mệt mỏi thị giác, gây buồn ngủ. Ngoài ra khi học phải tập trung quá mức, mọi người có xu hướng dễ dàng ngủ hơn. Lúc này với một số người, nếu nghe vài bài hát có thể giúp tinh thần tỉnh táo, ngăn cơn buồn ngủ, tăng tốc độ tiếp thu bài học.

Cuối cùng, nghe nhạc có thể ngăn chặn tiếng ồn

Thói quen nghe nhạc để tránh tiếng ồn trong công việc rất nhiều người cũng có. Khi xung quanh ồn ào không thể tập trung, họ sẽ mang theo tai nghe để tập trung hơn vào những gì phải làm. Học sinh khi học bài cũng không ngoại lệ.

Vừa học vừa nghe nhạc sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập

Nói về vấn đề này, Giáo sư Ngụy Khôn Lâm của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từng có bài viết “Bạn có thể cùng lúc nghe nhạc và học tập?”. Trong đó đề cập đến một quan điểm: Nếu nghe nhạc sẽ khiến hiệu quả học tập thấp hơn.

Ông Lâm nói: Mặc dù âm nhạc có thể chặn tiếng ồn ào xung quanh giúp tập trung hơn nhưng cũng khiến não của bạn phải mất “công sức” xử lý thêm âm thanh phát sinh này. Đôi khi việc xử lý này là vô thức, nhưng ngay cả vô thức cũng chiếm tài nguyên của bạn. 

“Tài nguyên” mà Giáo sư Ngụy đề cập đến chính là sự chú ý của một người khi tập trung vào một điều gì hoặc một hoạt động nào đó. Nếu bạn đang cố gắng tìm một phương pháp giải một bài toán khó chẳng hạn, việc nhạc quá to hay nhanh có thể làm đứt quãng suy nghĩ và làm cản trở bạn.

Ngoài ra, trí nhớ ngắn hạn của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trí nhớ ngắn hạn là việc sử dụng các thông tin để xử lý các vấn đề về học hành và các hoạt động nhận thức khác. Trí nhớ ngắn hạn được dùng đến khi chúng ta cố gắng nhớ lại các mục trong danh sách; các bước để giải một bài toán; hoặc nhớ lại một chuỗi các sự kiện. Nếu bạn đang gặp khó vì phải xử lý hàng đống công việc một lúc, thì tốt nhất là không nên nghe nhạc, nó sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng mặc dù âm nhạc có những lợi ích nhất định nhưng kết quả ghi nhận trên 20 người trong độ tuổi 20-30 cho thấy rằng trong điều kiện không có âm nhạc, họ có tỷ lệ ghi nhớ các từ tiếng Anh chính xác nhất; tỷ lệ ghi nhớ thấp hơn khi nghe nhạc cổ điển, và tệ nhất khi nghe nhạc rock. Nghiên cứu này phù hợp với quan điểm của Giáo sư Ngụy, rằng trong trạng thái không có âm nhạc, sự tập trung và hiệu quả học tập cao hơn. 

Nghe nhạc có ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, cách ứng xử của cha mẹ trong trường hợp con vừa học vừa nghe nhạc cũng nên mềm dẻo. Đừng ngay lập tức ngăn chặn và đổ lỗi cho con, điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái cũng như giảm động lực học hành. Nên thỏa thuận với con, giai đoạn học tập nghiêm túc tập trung 100% vào bài vở, song những lúc khác có thể nghe nhạc yêu thích bất cứ lúc nào. 

Con có thể kích thích não bộ hoạt động bằng cách nghe loại nhạc yêu thích trước khi học khoảng 3-5 phút. Hoặc có thể nghe nhạc ở những lúc nghỉ ngơi giữa thời gian học tập, chúng cũng có tác dụng thúc đẩy động lực để tiếp tục thu nạp các kiến thức mới. Ưu tiên những bản nhạc cổ điển, không lời để não bộ tiếp nhận thông tin nhanh chóng và xử lý hiệu quả.

(Nguồn:afamily)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây