Núm vú giả hay ti giả là một trong những sản phẩm phổ biến được nhiều bà mẹ cho con sử dụng. Nhưng bên cạnh lợi điểm thì núm vú giả cũng có những mặt trái cần lưu ý để từ đó so sánh và tìm cho mình một câu trả lời về việc có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả hay không và khi nào cần giúp bé cai núm vú giả.
Núm ti giả là gì?
Núm vú giả hay còn được gọi là ti giả là loại núm vú làm từ chất liệu cao su, chất dẻo, hoặc silicone an toàn cho trẻ sơ sinh ngậm. Dạng tiêu chuẩn của nó có một núm vú, lá chắn miệng và tay cầm đủ lớn để tránh cho trẻ bị nghẹt thở hoặc nuốt phải.
Ưu nhược điểm khi cho trẻ dùng ti giả
- Ưu điểm:
- Việc cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả khi ngủ sẽ giúp hạn chế hơn nguy cơ đột tử khi ngủ (SIDS). Nguyên do là núm vú sẽ tạo ra khoảng trống giữa quần áo, khăn quấn, chăn… do đó giúp giảm thiểu nguy cơ bé bị ngạt thở khi ngủ dẫn đến tử vong.
- Núm vú giả vì có hình dạng tương tự như núm vú mẹ nên giúp bé hết khóc, quấy nhiễu. Khi cho trẻ ngậm ti giả thì trong thời gian đó người mẹ có thể tranh thủ làm một số việc khác.
- Giúp bé cảm thấy thoái mái, dễ ngủ hơn.
- Khi bé lớn hơn một chút, việc giúp con cai ngậm núm vú giả sẽ dễ dàng hơn so với việc chấm dứt thói quen mút tay của bé.
- Nhược điểm:
- Ngậm vú giả sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của răng. Có thể gây vẩu răng cửa và làm trệch khớp cắn. Ngoài ra còn làm cho hàm răng không khít.
- Lưỡi trẻ khi mút núm vú sẽ ở tư thế thấp, có xu hướng đưa ra trước làm miệng hở và hàm dưới đưa ra.
- Không khí sẽ theo hành động ngậm, mút di chuyển vào dạ dày khiến trẻ bị đầy hơi.
- Ngậm vú giả làm nước bọt tiết nhiều hơn nên thường có nhiều cao răng hơn.
- Trẻ phụ thuộc vào núm vú, nếu không có núm vú sẽ không chịu ngủ hay khó chịu. Đôi khi trẻ thích núm vú giả hơn bú mẹ.
Khi nào nên cho trẻ ngậm ti giả
1. Theo độ tuổi
Theo nhiều khuyến cáo, núm ti giả nên tránh dùng cho trẻ trong vòng ít nhất 3 – 4 tuần đầu. Với phần lớn những trẻ bú sữa mẹ, sẽ là tốt hơn nếu trẻ không sử dụng ti giả cho đến khi sữa mẹ về đầy đủ (thường là 6 – 8 tuần). Và trẻ đã qua 6 tuần phát triển vượt bậc. Điều đó giúp mẹ hình thành nguồn cung sữa tốt hơn và không bị mất sự kích thích sữa từ bé. Nếu trẻ chuyển qua ngậm ti giả thì sẽ ít ti để hút sữa mẹ về.
2. Tần suất sử dụng
Khi trẻ có nhu cầu mút, trước khi cho trẻ ngậm ti giả thì ba mẹ nên xem trẻ có đói bụng, mệt hay không. Nếu có thì phải giải quyết nhu cầu này của trẻ trước, chứ không nên cho trẻ ngậm ti giả ngay.
Những nguyên tắc mẹ nên lưu ý khi cho bé dùng ti giả
1. Đừng ép bé
Mẹ hãy để con quyết định thay vì cứ đưa trực tiếp núm vú giả vào miệng bé. Nếu con nhận ngay thì không sao, nhưng nếu con từ chối thì mẹ cũng đừng nên gò ép. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc đơn giản là tìm cách khác để bé vui vẻ và thích thú hơn.
2. Chỉ dùng khi bé không đói
Tốt nhất là bạn nên cho bé ngậm ti giả giữa các bữa ăn khi biết chắc là con không đói. Và tránh sử dụng vật dụng này như một cách để trì hoãn việc cho bé bú hoặc thay thế cho sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Thay vào đó, ti giả sẽ hữu ích trong những trường hợp bé cần được vỗ về. Ví dụ như trong lúc đi mua hàng tại siêu thị hoặc ngồi trên xe.
3. Ti giả không phải là cách duy nhất dỗ dành bé
Mẹ hãy thử cho bé ngậm ti giả vào lúc ngủ trưa và buổi tối. Nếu nó rơi ra khỏi miệng khi bé ngủ, mẹ đừng gắn trở lại vào miệng con. Lúc con quấy khóc, trước tiên mẹ hãy cố gắng dỗ bằng những cách khác, chẳng hạn như âu yếm, ẵm bé lên hoặc ca hát rồi hẵng nghĩ đến việc dùng núm vú giả.
4. Thận trọng khi đeo ti giả trên người con
Bố mẹ đừng buộc ti giả quanh cổ hoặc để trên nôi của con. Bé có thể vô tình siết cổ mình lại bằng những dây buộc đó. Sẽ an toàn hơn nếu bạn gắn núm vú giả vào quần áo của bé với một cái kẹp đặc biệt được chế tạo dành riêng cho việc này.
5. Vệ sinh ti giả sạch sẽ
Trước hết, bạn hãy chọn loại nào an toàn và thích hợp cho bé và vệ sinh thật sạch bằng cách rửa thường xuyên bằng nước ấm. Ngay khi thấy những vết nứt nhỏ xuất hiện hoặc các dấu hiệu khác, mẹ nên thay ngay cái mới.
Đừng làm sạch ti giả bằng cách đưa nó vào miệng bố mẹ nhé. Nước bọt của người lớn có chứa vi khuẩn có thể gây sâu răng cho bé ngay khi răng bé mới bắt đầu nhú ra từ nướu. Bạn cũng không nên nhúng ti giả vào nước trái cây hoặc đường vì điều này cũng có thể làm bé bị sâu răng đấy.
6. Thời điểm không nên cho bé ngậm ti giả
Trong một số trường hợp dưới đây, ti giả sẽ mang đến tác dụng ngược:
+ Bé đang có vấn đề tăng cân
+ Bé bị nhiễm trùng tai giữa
+ Khi trẻ đã lớn hơn, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ tạm biệt núm vú. Vì nó sẽ giúp trẻ tránh những nhược điểm gây ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khoẻ.
Qua bài viết trên bạn đã phần nào hiểu được ưu nhược điểm của việc dùng ti giả. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng nếu bé quá thích thú với món đồ này. Tuy vậy, để an toàn nhất với con, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có nên cho bé dùng ti giả hay không nhé!